Thời gian gần đây, HBH nhận được khá nhiều câu hỏi từ khách hàng về việc “Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có bị xử phạt không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?”. Nhận được thông tin câu hỏi, chúng tôi đã tìm hiểu và tổng hợp được các thông tin sau. Nếu bạn cũng đang thắc mắc vấn đề trên, thì đừng bỏ qua bài viết này.
Có thể bạn quan tâm:
- Chuyển nhượng bất động sản: Cần phải nộp các loại thuế, phí nào?
- Thu hồi đất là gì? Các trường hợp thu hồi đất được và không được bồi thường theo quy định mới 2022
Khái niệm chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Luật đất đai 2013 không đưa ra khái niệm cụ thể về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà chỉ đề cập đến các trường hợp cần và không cần xin giấy phép cơ nhà nhà nước có thẩm quyền khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Từ những trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta có thể hiểu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là sự thay đổi về mục đích sử dụng đất so với loại ban đầu bằng quyết định hành chính trong trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải xin giấy phép hoặc việc đăng ký biến động đất đai trong trường hợp không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa có bị phạt không?
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai 2013 thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm thuộc trường hợp mục đích sử dụng đất phải xin giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trong trường hợp bạn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm (chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thuộc trường hợp có vi phạm pháp luật đất đai cần phải xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 206 của Luật Đất đai, khoản 1 và khoản 5 Điều 9 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
“Điều 206. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.”
“Điều 9. Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai.
1. Chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng (trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 14 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi mục đích trái phép dưới 0,5 hecta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi mục đích trái phép từ 0,5 hecta đến dưới 01 hecta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi mục đích trái phép từ 01 hecta đến dưới 03 hecta;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi mục đích trái phép từ 03 hecta trở lên.
…
Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1,2,3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại khoản 1,2,3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”
5 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất không cần phải xin giấy phép
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là mong muốn của nhiều hộ gia đình, cá nhân. Và theo quy định của pháp luật sẽ có những trường hợp người chuyển đổi không cần xin giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dưới đây là 5 trường hợp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không cần xin giấy phép nhưng phải đăng ký biến động.
1. Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm.
2. Chuyển đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản sang thành đất trồng cây lâu năm.
3. Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm.
4. Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
5. Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Mẫu đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầy đủ, mới nhất 2023
Khi xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mẫu đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật được cập nhật mới nhất.
Tải mẫu đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầy đủ tại đây
Mục đích sử dụng đất là một vấn đề được người sử dụng đất rất quan tâm. Bởi nếu sử dụng sai mục đích sử dụng đất thì sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, một số trường hợp còn gây thiệt hại về tài sản. Vì thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng cần phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể.