Nguyên nhân khiến Hà Nội và TP.HCM đứng đầu danh sách ô nhiễm không khí?

DiamondNgo

Thống kê của AirVisual

Chuyên gia cho rằng lượng lớn khí thải, bụi thoát ra từ hoạt động sản xuất, giao thông và xây dựng khiến Hà Nội và TP.HCM bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sáng 26/9, hiện tượng sương mù quang hóa vẫn bao phủ TP.HCM, người dân nhìn thấy màu trắng đục trên bầu trời. Các công trình cao tầng mang tính biểu tượng của thành phố như tòa nhà Landmark 81 hay Bitexco trông mù mịt từ xa.

Lúc 10h, trang web Airvisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 187 và 172, dẫn đầu danh sách các thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. Xếp thứ 3 là thành phố Jakarta của Indonesia, quốc gia đang có cháy rừng.

Thống kê của AirVisual
Thống kê của AirVisual

Ô nhiễm đến mức báo động!

Theo Bà Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã đến mức báo động.

Mù bao phủ TP. Hồ Chí Minh
Mù bao phủ TP. Hồ Chí Minh

Điều này gây hại đến sức khỏe người dân, nhất là người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch. AQI từ 100 trở lên đã ảnh hưởng đến sức khỏe, nên khi AQI gần ngưỡng 200 thì mức độ gây hại sẽ cao hơn. Nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5 và PM10 có kích thước rất nhỏ, đi sâu vào cuống phổi, gây ra các bệnh về hô hấp.

Về nguyên nhân khiến Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí, bà Lan cho rằng chủ yếu do quá tải dân số. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng diễn ra nhộn nhịp đã thải lượng khói bụi lớn lên bầu trời. Thông thường, khói bụi sẽ phát tán xung quanh nhưng khi gặp thời tiết bất lợi, các chất ô nhiễm bay lơ lửng ở tầng thấp.

“Nguy cơ ô nhiễm từ cháy rừng ở Indonesia đã không còn do gió mùa Đông Bắc đang thổi ngược từ TP.HCM ra vịnh Thái Lan. Ô nhiễm không khí tại các đô thị là ô nhiễm tại chỗ chứ không bị tác động từ bên ngoài”, bà Lan phân tích.

GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, nhận định ô nhiễm từ giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM. Tại TP.HCM, gần 9 triệu xe cộ với hơn 825.000 ôtô và 8,12 triệu xe máy thải khói ra môi trường mỗi ngày.

Khi kẹt xe kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.

Ô nhiễm môi trường bất thường

Trước thông tin Hà Nội ô nhiễm nặng, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Hà Nội phủ nhận điều này và cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ và không khách quan.

Các website thống kê này lấy số liệu từ trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc như cách làm của cơ quan chức năng.

“Khu vực Đại sứ quán Mỹ nằm cạnh đường Láng Hạ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, nên cũng là một trong những điểm có chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của thành phố. Vì vậy, số liệu này không đại diện cho cả TP và cũng không chính xác”, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Hà Nội phân tích.

Các tòa nhà cao tầng trở nên mờ ảo trong sương mù quang hóa
Các tòa nhà cao tầng trở nên mờ ảo trong sương mù quang hóa

Trong khi đó, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM, nói rằng ông không bình luận về thông tin TP.HCM ô nhiễm thứ 2 thế giới của một số trang thống kê không chính thống.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết hiện tượng sương mù quang hóa năm nay có dấu hiệu bất thường. Các năm trước, hiện tượng này chỉ kéo dài 6-7 ngày rồi tan nhưng năm nay thì kéo dài.

“Đến hôm qua (25/9), mây mù quang hóa giảm nhưng hôm nay lại tăng, dù không đặc như ngày 20/9 nhưng đây là sự bất thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hiện tượng thời tiết này trong các ngày tới rồi đưa ra nhận định”, ông Sơn thông tin.

Theo Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM, sương mù quang hóa hình thành do dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng. Đồng thời, mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù.

Theo kết quả quan trắc không khí trong các ngày 18-20/9, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO tăng 1,4 đến 2,2 lần. Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng 25-50% trong ngày 20/9.

Theo Zing.vn

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận