Từ Địa Ốc Alibaba Rút Ra 3 Bài Học Đắt Giá, Biết Để Không Bị Lừa

DiamondNgo

Chiêu lừa của địa ốc Alibaba

Khoảng 6.700 người bị hại, tổng tài sản chiếm đoạt lên đến 2.500 tỷ đồng. Đây là những con số chấn động trong vụ án địa ốc Alibaba. Nhiều mánh khóe lợi hại đã được hé lộ, nhiều chiêu trò đã được phanh phui. Từ đó, chúng ta cũng nên nhìn nhận để rút ra bài học cho mình. Nếu không bạn rất có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của các công ty lừa đảo khác.

Hãy cùng HBH nhìn lại vụ việc và rút ra 3 bài học đắt giá cho chính chúng ta.

Chiêu lừa của Công ty địa ốc Alibaba

Thành lập Công ty Alibaba từ năm 2016 với quy mô hơn 2.600 nhân viên. Anh em nhà “Alibaba” đã tổ chức thu mua hơn 600ha đất nông nghiệp rồi giao cho các cá nhân đứng tên. Chúng vẽ ra hơn 40 dự án “ma” để lừa người mua vào tròng. Trong đó, có 29 dự án thuộc Đồng Nai, 9 dự án ở Bà Rịa – Vũng Tàu và 2 dự án ở tỉnh Bình Thuận.

Bán “dự án ma”

Chị Nguyễn Thị H. là một nạn nhân của Alibaba. Vợ chồng chị được một nhân viên của công ty mồi chài mua đất. Chị được giới thiệu mua lô đất 180m2 ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Giá bán hơn 900 triệu đồng. Khi đã trả hơn 700 triệu đồng thì nghe tin dự án bị cơ quan chức năng cưỡng chế. Vợ chồng chị có đến Công ty đòi trả lại tiền, họ hứa hẹn 6 tháng sau trả trước 50% nhưng đến nay vẫn không có 1 đồng nào.

Vụ địa ốc Alibaba
Ảnh minh họa vụ địa ốc Alibaba từ báo Thanh niên

Đầu tư hạ tầng trái phép

Một mánh khóe nữa của Alibaba là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phân lô trái phép. Những cái đầu ma mãnh đã lên kế hoạch tự hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Thậm chí tự đầu tư đấu nối hệ thống điện chiếu sáng ở các khu đất nông nghiệp. Trường hợp xảy ra tại xã Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một ví dụ.

Công ty Alibaba có đến 14 dự án khu dân cư tại Long Thành. Tổng diện tích 52,7ha, phân thành 3.382 lô đất. Đây là những dự án do công ty ký hợp đồng nhận chuyển nhượng đất. Có 127 thửa đất của 11 cá nhân với tổng diện tích 20,7ha và chưa thực hiện chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở. 

Vào các ngày 10 và 20/7/2017, đại diện Công ty địa ốc Alibaba có đơn gửi UBND huyện Long Thành. Ông xin chủ trương thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Công ty đã được UBND huyện đồng ý. Khi có “lá chắn” trong tay, Alibaba cho nhân rộng ra các xã khác, làm cho huyện Long Thành có tất cả 27 “dự án ma”.

*Theo bài viết trên Hoinhabaovietnam.vn

Vì sao đến nay Địa ốc Alibaba mới bị phanh phui?

Vẽ “dự án ma”, “mua đất trên giấy” thực chất là chiêu lừa không mới trong ngành bất động sản nhiều năm qua. Trên thực tế đã có rất nhiều bài học xương máu từ các dự án phân lô đất nền. Thế nhưng Công ty Alibaba đã dùng cách gì để có thể lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 6.700 người mà vẫn tồn tại?

Những chiêu thức tâm lý đã được tung ra. Những mánh khóe đã được thiết lập. Alibaba đánh vào chính lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người. Bằng cách áp dụng phương thức đa cấp ponzi, địa ốc Alibaba đã tạo ra một ma trận mà người bước vào vừa là nạn nhân, vừa là tòng phạm.

Trong số hàng nghìn khách hàng của Alibaba, có không ít người ban đầu là nạn nhân nhưng sau đó lại là người tiếp tay. Dù biết mua nhầm dự án đất thổ cư ảo trên giấy nhưng vì “sót của”, họ im lặng và tiếp tục lôi kéo người khác vào guồng quay này.

Những người tham gia vào mạng lưới của công ty này còn được hướng dẫn kỹ càng. Họ có hẳn những cuốn sổ tay, chỉ dẫn cụ thể cách lấy tiền của những người dân cho việc đầu tư, mua đất dự án.

Lòng tham nối tiếp lòng tham. Người này lôi kéo người kia. Người kia kéo thêm người nọ. Chuỗi “nạn nhân” của Alibaba ngày một dài. Ngay cả khi cơ quan điều tra, nhiều người vì ham lợi vẫn giữ im lặng cho đến khi công ty này bị triệt phá.

mô hình đa cấp Alibaba
Mô hình đa cấp ponzi của địa ốc Alibaba

3 bài học kinh nghiệm đắt giá từ vụ địa ốc Alibaba

1. Thận trọng xác định tính pháp lý của dự án

Đất đai vốn là tài sản thuộc sở hữu quốc gia. Dự án hợp pháp bao giờ cũng phải có đầy đủ giấy tờ được nhà nước công nhận.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ pháp lý quan trọng nhất. Bạn cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi mua bán. Đặc biệt là các thông tin về: vị trí, diện tích, loại đất, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch. 

Trong vụ án địa ốc Alibaba, hầu hết các dự án đều là đất nông nghiệp. Vậy mà Công ty Alibaba ngang nhiên chào bán là đất nền để ở. Điều này hoàn toàn vi phạm pháp luật nhưng vẫn được tiếp tay.

Một điểm đáng lưu ý khác, việc triển khai cơ sở hạ tầng luôn phải có văn bản chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền. Bạn cần kiểm tra các văn bản này để đánh giá tính hợp pháp của dự án. 

Như việc Alibaba đã xây dựng hạ tầng (đường, điện) để phân lô đất nền tại Bà Rịa Vũng Tàu. Công trình xây trên đất nông nghiệp và không có giấy phép. Chính quyền địa phương phát hiện và cưỡng chế công trình. Lúc này nhiều khách mới giật mình vì Alibaba xây dựng trái phép. Nhưng tiếc thay, tiền đã trao tay thật khó lấy lại.

2. Kiểm tra kỹ hợp đồng trước khi ký

Trong một thương vụ mua bán đất nền, có rất nhiều loại hợp đồng với tên gọi khác nhau. Hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác, hợp đồng mua bán,….Hơn 60% khách hàng của Alibaba hầu như đều bỏ qua bước kiểm tra hợp đồng vì quá lằng nhằng.

Nhiều trường hợp sau khi nghe nhân viên địa ốc Alibaba “rót mật vào tai” đã đặt bút ký ngay hợp đồng. Sẵn sàng đặt cọc hoặc thanh toán đợt 1 mà không cần đọc kĩ. Đến khi xảy ra sự cố, nhìn lại hợp đồng thì hỡi ôi, rất nhiều điều khoản sai mà chẳng biết kêu ai.

Chính vì thế, bạn cần hết sức lưu ý trước khi ký kết bất kỳ hợp đồng nào. Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Nếu không đảm bảo các điều kiện thì khi có tranh chấp, hợp đồng sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu, không có giá trị thực hiện.

Hợp đồng mua bán đất
Cần đọc kĩ hợp đồng trước khi ký để không bị lừa như vụ địa ốc Alibaba

3. Xem xét, tìm hiểu rõ uy tín Chủ đầu tư

Phải nhìn thẳng vào thực tế để thừa nhận rằng: hầu hết nạn nhân bị lừa bởi Alibaba đều khá chủ quan trong lựa chọn.

Người xưa có câu “chọn mặt gửi vàng”. Nếu thận trọng, người mua hoàn toàn có thể tìm hiểu trước về uy tín của Chủ đầu tư này. Chỉ cần 1 phút tra google, gõ từ khóa “Công ty địa ốc Alibaba”, bạn sẽ thấy không ít bài viết về các vụ lừa đảo của công ty từ khi thành lập.

“Công ty Alibaba có dấu hiệu lừa đảo khách hàng”, “Công ty Alibaba đánh khách hàng”, “Phát hiện Công ty đa cấp Alibaba”,….là những bài nổi bật. Cụm từ: lừa đảo, đa cấp, “dự án ma” gần như gắn với cái tên Alibaba. Thế nhưng hàng loạt người vẫn nhắm mắt cho qua vì lợi nhuận nghe quá hấp dẫn.

Đây thật sự là một bài học xương máu cho bất kỳ ai muốn mua hoặc đầu tư nhà đất. Chủ đầu tư có uy tín mới có thể giúp bạn an tâm. Ngược lại, dù bạn có đầu tư cũng sẽ như ngồi trên đống lửa,  không biết tiền của mình lúc nào sẽ không cánh mà bay. Không tìm hiểu kỹ Chủ đầu tư là bạn đã tự mình “giao trứng cho ác”. Cần hết sức cẩn trọng!

Với 3 bài học kinh nghiệm đắt giá này, ngay từ bây giờ, khi mua đất nền hay bất cứ loại hình bất động sản nào, bạn cũng nên áp dụng. Tìm hiểu dự án có đủ pháp lý chưa, đọc kỹ nội dung hợp đồng và chắc chắn về uy tín chủ đầu tư. Áp dụng 3 bài học này thì chắc chắn giao dịch của bạn thành công. Ngược lại không quan tâm đầy đủ ba yếu tố này thì bạn rất có thể là nạn nhân tiếp theo của những chiêu lừa trong mua bán bất động sản khác.

Đánh giá

Viết một bình luận